#
HỖ TRỢ
TRỰC TUYẾN
063.3843944
063.3843944
#
#

TIẾT ĐỌC THƯ VIỆN – KHƠI DẬY TÌNH YÊU VỚI SÁCH

Nếu trước đây, ở trường, học sinh tiểu học chỉ có thể đọc sách tại thư viện hay góc thư viện của lớp học thì nay, học sinh Trường TH Phú Thạnh đã có hẳn một tiết đọc thư viện trong chương trình học. Phòng học được trang trí đẹp mắt, nhiều đầu sách với bản màu đẹp và đồ dùng hỗ trợ tiết học. Trong phòng còn được bố trí góc phục vụ việc dạy và học tiết đọc thư viện. 

Trên thời khóa biểu của mỗi khối lớp, mỗi tuần có một tiết đọc thư viện. Thời gian của mỗi tiết đọc tương đương với những tiết học khác. Trong tiết đọc thư viện có các hoạt động đọc chính giúp phát triển thói quen đọc sách của học sinh. Những hoạt động đọc không tập trung vào dạy kỹ năng đọc mà mục đích chính của tiết đọc thư viện là hình thành và phát triển thói quen đọc sách. Đến với tiết đọc thư viện, các em sẽ được làm quen với nội quy thư viện, bảng mã màu, cách chọn sách, mượn trả và bảo quản sách. 

Trong mỗi tiết, ngoài hoạt động đọc, các em tham gia trao đổi cho nhau nghe về suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về nhân vật, về câu chuyện đó. Giáo viên có thể trao đổi với các em bằng một số câu hỏi giản đơn có liên quan đến nhân vật cũng như nội dung câu chuyện, nhằm hướng tới nhu cầu đọc sách tích cực cho HS. Tất nhiên, không biến các câu hỏi thành khai thác sâu nội dung chuyện. Thông qua tiết đọc thư viện, học sinh không chỉ tiếp cận được nhiều đầu sách hay mà còn được khơi gợi niềm đam mê đọc sách. Nhờ vậy, học sinh chủ động trong việc tìm đọc sách, phát triển vốn từ, được giáo dục đạo đức, kỹ năng sống khi hiểu được ý nghĩa câu chuyện. Trong tiết đọc thư viện, giáo viên tổ chức nhiều hoạt động giúp các em hứng thú học tập, trong đó, học sinh có thể viết bài cảm nhận và chia sẻ cùng bạn bè về sự hiểu biết của mình. Khi các em cảm nhận được sự thích thú khi tham gia tiết đọc thư viện, các em càng yêu thích đọc sách hơn.

Cô Lê Thị Hoa - giáo viên Trường Tiểu học Phú Thạnh chia sẻ: “Từ khi có tiết đọc thư viện, các em được tìm hiểu về ý nghĩa câu chuyện khi đọc sách. Đặc biệt, thông qua các hoạt động vẽ tranh, sắm vai, các em được tự do thể hiện câu chuyện theo sự hiểu biết của riêng mình. Nhờ vậy, học sinh phát huy khả năng sáng tạo cũng như tìm được sự hứng thú khi đọc sách”. Nhờ Tiết đọc thư viện, học sinh có cái nhìn khác về đọc sách. Các em không chỉ hứng thú, yêu thích đọc sách hơn mà còn tích lũy được vốn từ, khả năng sáng tạo và được giáo dục đạo đức, kỹ năng sống ngay từ lứa tuổi tiểu học. Đồng thời, học sinh tiểu học còn được hình thành thói quen đọc sách, phát huy văn hóa đọc trong lứa tuổi học đường.

- Đặng Thị Ngọc Tú

TAG:

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Nếu bạn đã có tài khoản, xin vui lòng đăng nhập.
Ghi nhớ đăng nhập | Quên mật khẩu?